Công ty điêu khắc đá

Định hướng phát triển du lịch thông qua bảo tồn và phát huy giá trị vốn có

“Danh thắng Ngũ Hành Sơn – Non Nước của Đà Nẵng chưa đựng nhiều giá trị lớn cho du lịch như làng đá mỹ nghệ non nước, hay hệ thống hang động ngầm, các chùa chiềng.v.v.v.v mọi thử đều được hình thành từ lâu đời. Và nếu chính quyền muốn phát triển mạnh hơn mảng du lịch của khu vực thì trước tiên cần duy trì – bảo tồn cũng như tiếp tục phát huy được tinh hoa truyền thống cổ.”

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ rất lâu là một di tích nổi tiếng của cả nước. Những ngọn núi ngẫu nhiên mọc lên theo phương vị Ngũ Hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ tọa lạc trên diện tích khoảng 2km2 bên bờ biển phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, là điểm nối kết giữa các di sản văn hoá thế giới: Huế – Hội An – Mỹ Sơn.

ngu-hanh-son

“Di tích cổ ở Ngũ Hành Sơn”

Ngũ Hành Sơn không những hấp dẫn bởi chùa chiền, hang động và cảnh trí thiên nhiên thơ mộng mà còn là một di tích đặc biệt có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử và tâm linh tín ngưỡng.

Từ thế kỷ XIX, tại đây đã là nơi hành hương, thưởng lãm trong hành trình “du sơn, du thuỷ” của các vua quan triều Nguyễn từ kinh đô Phú Xuân (Huế) đến đất Hàn (xứ Quảng), các “tao nhân mặc khách”, các nhân sĩ, nghệ sĩ đã từng say mê và ngỡ ngàng trước cảnh “sơn kỳ, thủy tú” của khu danh lam thắng cảnh này.
Trước đó, các nhà sư hành đạo đến các thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản từ thế kỷ XVI, XVII đã từng đến đây, cúng dường xây dựng chùa, lập đạo tràng, giao lưu văn hóa, trao đổi thương mại giữa các nước trong khu vực và xem Ngũ Hành Sơn như là vùng đất Phật, vùng đất ẩn chứa nhiều điều thiêng liêng, kỳ diệu.

Trong quá trình giao lưu, hội nhập hiện nay, di sản văn hóa đã trở thành nhân tố quan trọng để phát triển du lịch. Di sản văn hóa là thành quả kết tinh từ những giá trị sáng tạo của con người, vì thế nó có sức cuốn hút để con người tìm hiểu, nghiên cứu và mặc nhiên trở thành là sản phẩm du lịch. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là điều cần thiết.

Thông qua các hoạt động quảng bá du lịch, di sản lịch sử, văn hóa Ngũ Hành Sơn được giới thiệu rộng khắp. Những ngôi chùa, những cổ tháp, những hang động phân bổ trong năm ngọn núi được lồng ghép giữa cảnh trí trời biển mênh mông, như mơ, như thực, tạo nên một không gian văn hoá đặc thù giữa lòng thành phố trẻ trung, năng động, qua đó hình ảnh năm ngọn núi là điểm nhấn văn hóa tiêu biểu để du khách hiểu hơn về Đà Nẵng, về một vùng đất mà trong ca từ của một nhạc phẩm viết về Đà Nẵng đã từng khái quát “…Núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi…”

Tại Ngũ Hành Sơn, di sản được bảo tồn, phát huy để phát triển du lịch đã tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, người dân được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc tham gia dịch vụ du lịch. Làng nghề điêu khắc và buôn bán hàng đá mỹ nghệ đã đem đến công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, cuộc sống dân sinh ổn định, một số cơ sở tư nhân phát triển và giàu lên từ làng nghề. Điều đó khẳng định rằng khi di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, làng nghề truyền thống trở thành là sản phẩm du lịch đặc sắc thì đời sống, thu nhập tại các vùng có giá trị di sản sẽ tăng lên, sự chuyển đối cơ cấu kinh tế sẽ theo đó phát triển tự nhiên.

Từ các yếu tố này, hơn ai hết, chúng ta là chủ nhân của các di sản, không những tự hào về những giá trị mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng mà còn phải biết quý trọng và cùng có ý thức bảo vệ và tôn vinh. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó ý thức tự chủ, ý thức thị dân, đôi lúc, đôi nơi còn hạn chế, một số chạy theo lợi nhuận trước mắt nên chưa thấy hết được những điều mình làm trái với những quy định của Luật Di sản văn hóa dẫn đến tình trạng xâm hại di tích, xâm hại môi trường du lịch, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm trước di sản mà mình đang sở hữu và hưởng thụ. Một số nơi, di sản hằng ngày, hằng giờ bị đe dọa, việc đầu tư cho di sản về cơ chế, tài chính còn chưa thỏa đáng.

Trong công tác quản lý, bảo vệ Khu Du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, hơn ai hết chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch và các dự án phát triển kinh tế xã hội, đề xuất hoàn thiện các chương trình, dự án, quy hoạch tại khu di tích để phát triển du lịch là điều hết sức cần thiết. Để định được mục tiêu này thì cần:

Trong công tác quản lý, bảo vệ một di sản văn hóa được xếp hạng, cần phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bảo tàng thành phố. Đây là những cơ quan chức năng, có chuyên môn nghiệp vụ trong việc định hướng trùng tu, tôn tạo, bảo quản di tích, tránh tình trạng đầu tư, xây dựng tùy tiện, chủ quan có thể dẫn đến phá vỡ không gian và biến dạng di tích, đề ra các giải pháp bảo quản di sản một cách hiệu quả, khoa học, có kế hoạch thống kê, giám định niên hiệu từng công trình di tích, từng di vật, cổ vật để có kế hoạch bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Đồng thời phối kết hợp với chính quyền phường Hòa Hải, để cùng có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguyên trạng khu di tích, nhất là tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép và các tác động khác từ bên ngoài hoặc biến khu vực di tích thành các điểm kinh doanh, mồi chài mua bán, hoạt động mê tín di đoan… Xác định ranh giới địa chính giữa các nhà chùa, khu dân cư và khu vực di tích để tránh tình trạng chồng chéo trong việc quản lý, khai thác, điều hành…, không để các nhà chùa trong khu di tích tự ý xây dựng những hạng mục chưa được phê duyệt, hoặc tu sửa, sơn phết, làm mới các tượng cổ, các văn bia…, những hành vi can thiệp này có thể ảnh hưởng đến nguyên trạng di tích; thường xuyên kiểm tra các hiện vật, cổ vật, văn bia, công trình kiến trúc và các thắng cảnh thiên nhiên. Nếu nơi nào, ở đâu có dấu hiệu xuống cấp do thời gian hoặc các lý do khác thì phải kịp thời đề xuất để có biện pháp tu sửa, khắc phục.

Đối với khách tham quan, vào những nơi thờ tự trang nghiêm phải ăn mặc lịch sự, có hành vi chuẩn mực, nghiêm cấm viết, vẽ bậy trên các vách đá, các công trình kiến trúc, tụ tập tổ chức ăn uống gây tiếng ồn, làm mất vệ sinh công cộng và có thể xảy ra hỏa hoạn, có ý thức chung trong việc bảo vệ các công trình, hiện vật trong khu di tích.

Đối với cán bộ, nhân viên viên chức của đơn vị phải xác định đây là công việc đặc thù mang tính văn hoá, hiểu rõ về Luật Di sản văn hóa, thực hiện nghiêm các văn bản liên quan đến việc bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di sản, nhận thức đúng đắn các chủ trương xây dựng, phát triển du lịch liên quan đến khu vực di sản văn hoá.

Trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, di sản văn hóa đã trở thành sản phẩm của du lịch. Một số địa phương có di tích lịch sử đã trở thành là điểm đến tham quan, du lịch cho khách trong nước và khách nước ngoài, đời sống người dân có mức thu nhập khá hơn. Vì thế, việc kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền ý thức cho ngưòi dân giữ gìn trật tự văn minh, môi trường văn hóa du lịch là công công việc thường xuyên của điạ phương, của cơ quan quản lý và của các đoàn thể xã hội.

Di sản văn hóa là thành quả lao động sáng tạo của ông cha ta, là tác phẩm nghệ thuật có sức sống với thời gian, tự thân nó đã là một giá trị vĩnh hằng, cho nên khi di sản trở thành là sản phẩm du lịch thì con người phải ứng xử phù hợp, không thể chạy theo thị hiếu của du khách, biến nó thành những giá trị khác, dù thị hiếu đó có mang đến lợi nhuận bao nhiêu. Rất tiếc rằng, một số di sản văn hóa, lịch sử của chúng ta có nơi đã bị “thương mại hóa” cho lợi ích du lịch.

Trong khai thác du lịch, hoạt động lễ hội là hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian có hiệu quả cao nhất trong việc thu hút khách. Vì thế, chú trọng đến việc tổ chức, nâng cấp lễ hội là việc làm cần thiết cho một khu du lịch có di tích, góp phần phát huy và bảo vệ sản phẩm văn hoá phi vật thể.

Khai thác giá trị di sản trong chiến lược phát triển du lịch là xu hướng chung hiện nay. Những giá trị di sản phải được giới thiệu đến du khách một cách trân trọng và có hiểu biết. Người làm công việc Quảng bá du lịch phải tự trang bị kiến thức về lịch sử, văn hoá, chuyển tải những thông tin chính xác, khách quan, khoa học để mọi người hiểu và cảm thụ, từ đó nâng cao niềm tự hào và có ý thức, trách nhiệm cộng đồng trước một di sản mà mình có dịp tham quan.

Bài viết: Định hướng phát triển du lịch thông qua bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.

Tham khảo nguồn: trang thông tin điện tử Ngũ Hành Sơn.