Đình làng Khuê Bắc – ngôi đình cổ ở Ngũ Hành Sơn
“Đình làng Khuê Bắc là một trong những ngôi đình cổ nhất tại Danh thắng Ngũ Hành sơn – làng đá mỹ nghệ non nước của Đà Nẵng, trải qua bao thăng trầm thì ngôi làng đã có nhiều hư hại, nhưng lịch sự và sự cổ kính của nơi này thì vẫn là niềm tự hào của người dân Non Nước.”
Đình làng Khuê Bắc hiện nay ở tại phường Hòa Hải, nằm cạnh núi Thổ Sơn. Đây là một trong những đình làng được xây dựng sớm ở Ngũ Hành Sơn, nhưng hiện nay đình làng Khuê Bắc không người trông coi, quản lý và sử dụng nên hư hại rất nhiều.
Tại đình làng Khuê Bắc, ngay trong khuôn viên vườn đình, năm 2001, Đoàn nghiên cứu khảo cổ học gồm các cán bộ Khoa Lịch sử thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng do GS. Trần Quốc Vượng dẫn đầu đã đến khảo sát đã đến khảo sát và tiến hành khai quật một địa điểm trong vườn đình, kết quả đã cho thấy trên mãnh đất này cách ngày nay khoảng 3.000 năm đã có con người sinh sống, đó là người Sa Huỳnh với nền Văn hóa Sa Huỳnh và địa điểm khai quật đó được mang tên là di chỉ khảo cổ học Vườn đình Khuê Bắc.
Tháng 5 năm 2001, Đoàn khảo cổ học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn đình Khuê Bắc, nằm trong khuôn viên đình làng Khuê Bắc, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Qua khai quật Hố I (6x8m), được mở tại vườn trồng sắn và mè, sát hai mộ xây năm 1951 của họ Mai. Hố I có hai lớp văn hóa riêng biệt, lớp trên (0.00 – 0.40), là lớp văn hóa Chăm sớm, có niên đại thế kỷ II, III sau công nguyên. Hiện vật mang nhiều nét tương đồng với lớp Trà Kiệu và Gò Cấm (Duy Xuyên – Quảng Nam). Tiền Ngũ Thù Tây Hán ở đây được tìm thấy cùng tiền Vương Mãng (Thế kỷ I sau công nguyên), cùng với ngói Chăm sớm, bình hình trứng Chăm…Tuy vậy, lớp này đã bị phá hủy nghiêm trọng. Vết tích văn hóa giai đoạn này chỉ còn được nhận biết qua một số hiện vật tập trung ở các ô giữa của hố khai quật.
Mặc dù vậy, đây chính là những hiện vật rất đặc trưng như ngói Chăm sớm (mới chỉ thấy ở khu vực Trà Kiệu), bình hình trứng (ở khu vực Trà Kiệu và đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi, tiền Ngũ Thù Tây Hán và tiền Vương Mãng (tìm thấy ở Gò Tây An – Duy Xuyên). Lớp dưới (0.40 – 0,85), là lớp văn hóa sớm, mang tính chất di chỉ xen mộ táng. Đây là dạng mộ nồi úp nhau, một dạng mộ vò sớm, đã được phát hiện ở địa điểm Bàu Tró, được xác định trước đây thuộc hậu kỳ đá mới hay là so kỳ kim khí. Dạng mộ này cũng được phát hiện ở địa điểm Bàu Trám (lớp dưới)…
Dựa vào kiểu thức mộ, hiện vật gốm, đá…chúng tôi cho rằng Vườn đình Khuê Bắc (lớp dưới) thuộc giai đoạn văn hóa Tiền Sa Huỳnh – Sơ kỳ kim khí, song có phần sớm hơn Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Long Thạch (Quảng Ngãi) chút ít. Mộ vườn đình Khuê Bắc không thấy đồ tùy táng, gốm di chỉ và gốm mộ tương đồng về chất liệu, trang trí và loại hình. Gốm ở đây trang trí đơn giản, chủ yếu là nhóm hoa văn kỹ thuật, loại hình đơn điệu so với gốm tại các địa điểm kể trên.
Hố II (7x8m), được mở cách hố 1 khoảng 10m về phía bắc, chếch về phía chân cồn cát sát đường đi hơn. Hố 2: Hiện vật tương tự hiện vật hố I, gồm nhiều gốm thô, rìu đá, đá tím mài…
Địa điểm Vườn đình Khuê Bắc có hai tầng văn hóa sớm muộn. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân và điều kiện, tầng văn hóa Chăm sớm bị phá hủy nặng nề. Tầng văn hóa dưới thuộc giai đoạn Sơ kỳ kim khí – Tiền Sa Huỳnh với tính chất di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng.
Bài viết: Đình làng Khuê Bắc – ngôi đình cổ ở Ngũ Hành Sơn.
Tham khảo nguồn từ: trang thông tin điện tử quận Ngũ Hành Sơn